Dược lâm sàng

Chuyên đề QUẢN LÝ DƯỢC - Phần 1 Dược lâm sàng

Phan Xuân Trung, 12/7/2009.

Đối tượng quản lý của phần mềm quản lý dược:

Phần mềm quản lý dược dùng để quản lý các vật phẩm y sinh học bao gồm các chủng loại sau:

  1. Thuốc.
    1. Thuốc thường. (phân loại tiếp bằng Họ Trị Liệu)
    2. Thuốc corticoide.
    3. Thuốc kháng sinh.
    4. Thuốc chống ung thư.
    5. Thuốc gây nghiện - hướng thần.
    6. Thuốc chương trình (lao, phong, tâm thần, sốt rét...)
    7. Thuốc phóng xạ.
    8. Thuốc tương phản.
    9. Thực phẩm chức năng.
    10. Thuốc đông y.
    11. Dịch truyền.
  2. Vật tư y tế / vật tư tiêu hao.
    1. Vật tư y tế.
    2. Vật tư tiêu hao.
  3. Hóa chất.
    1. Hóa chất tẩy rửa.
    2. Hóa chất xét nghiệm.
  4. Máu.
    1. Máu toàn phần.
    2. Huyết thanh.
    3. Hồng cầu lắng.
    4. Tiểu cầu.
  5. Oxy.
  6. Thực phẩm - dinh dưỡng.

Các đối tượng kể trên có tính chất khác nhau nên được quản lý bằng các Database khác nhau.

Phần lớn các lý thuyết dưới đây tập trung vào quản lý thuốc men.

Các quản lý chủng loại khác được trình bày ngắn gọn ở cuối tài liệu.


I. Các khái niệm:

Tên thuốc

Tên Thuốc = Tên Biệt Dược = Tên Thương Mại:

  • Tên thuốc do nhà sản xuất đặt riêng cho sản phẩm kinh doanh của mình, còn gọi là tên thương mại hay biệt dược.
  • Cùng 1 hoạt chất thuốc nhưng có thể có nhiều tên gọi, nhiều hình thức bào chế khác nhau (viên nén, viên nhộng, viên sủi, viên đặt, thuốc gói, gói thơm, sirup...).
    • Nếu tên thuốc trùng nhau thì phân biệt bằng hàm lượng, nếu hàm lượng trùng nhau thì phân biệt bằng hình thức thuốc. Ví dụ:
  • Efferalgan 500mg (viên sủi)
  • Efferalgan 500mg (tọa dược)
  • Efferalgan 250mg (tọa dược)
  • Efferalgan 250mg (tọa dược) Ấn Độ
  • Efferalgan 250mg (tọa dược) Việt Nam

Tên thuốc phải không được trùng nhau trong bảng dữ liệu thuốc.

    • Tên thuốc phản ánh hình thức của thuốc.
    • Vấn đề đổi tên thuốc: Khi user đổi tên thuốc thì mã số thuốc không thay đổi.

Tên hoạt chất:

  • Còn gọi là tên thành phần thuốc.
  • Là tên của chất hóa học, hoạt chất của thuốc
  • Các hoạt chất thuốc đã được phân loại theo chuẩn quốc tế. Ví dụ: Thuốc Efferalgan, Alaxan, Panadol đều được sản xuất từ hoạt chất Acetaminophen.
  • Theo quy định của Bộ y tế, khi kê đơn thuốc phải có tên hoạt chất ghi kèm theo tên biệt dược. Ví dụ Efferalgan 500mg (Acetaminophene).
  • Một thuốc có thể bao gồm một hay nhiều hoạt chất.
  • Ví dụ:
    • Thuốc Panadol có 1 hoạt chất là Acetaminophene
    • Thuốc bổ Multi vitamin gồm 3-20 hoạt chất.

Hàm lượng:

  • Là lượng hoạt chất có trong 1 đơn vị sử dụng (một liều thuốc). Ví dụ: 500mg/viên.
  • Hàm lượng nên được thể hiện ở đơn vị đo lường nhỏ nhất. Ví dụ: 1000mg thay vì 1g.
  • Thuốc dung dịch thì hàm lượng được thay bằng nồng độ. Ví dụ Cồn Boric 1%, NaCl 0,9%

Đơn vị đóng gói:

  • Là đơn vị đếm khi đóng gói vận chuyển: hộp, thùng, gói, chai...
  • Cần phải chuyển đổi các đơn vị đóng gói này sang đơn vị nhỏ nhất (viên, ống, gói, lọ) khi nhập và xuất kho. Lý do: có chai Prednisone 5mg chứa 100 viên, cũng có chai 1000 viên thuốc.
  • Đơn vị đóng gói được dùng khi nhập hóa đơn thuốc từ nhà cung cấp vào kho thuốc.

Đơn vị bán lẻ:

  • Là đơn vị nhỏ nhất để tính thành đơn vị thuốc trong đơn thuốc và trong kinh doanh lẻ. Ví dụ: viên, chai, lọ, gói...
  • Các đơn vị này không thể chia nhỏ hơn để kinh doanh. Ví dụ: không thể bán vài giọt thuốc nhỏ mắt mà phải bán nguyên lọ thuốc nhỏ mắt, dù người dùng chỉ cần vài giọt.

Đơn vị liều dùng:

  • Là đơn vị được tính khi sử dụng trong đơn thuốc. Ví dụ: viên, gói, muỗng, giọt, miếng... Khi bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt thì kê 1 lọ, nhưng khi dùng thì tính bằng giọt.
  • Cách này thường gặp ở các loại thuốc cho trẻ em. Ví dụ: đơn vị bán lẻ là 1 chai thuốc si rô ho, đơn vị liều dùng là muỗng cà phê.
  • Tại các nước tiên tiến thì thuốc được sản xuất ở liều dùng nhỏ nhất. Tuy nhiên có nhiều loại thuốc có ngấn chia thành 2 hay 4 góc, có thể bẻ ra được. Do đó liều dùng có thể được chia nhỏ khi kê đơn.
    • Ví dụ: Mua 5 viên, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1/2 viên. Trường nhập liệu cho liều dùng không thể chỉ là số nguyên.

II. Quy ước về việc đặt mã số thuốc (ID thuốc):

  • Hiện nay chưa có một mã số thuốc nào được quy định cho tên thuốc (tên biệt dược).
  • ID thuốc dùng để xác định một tên thuốc, chủ yếu dùng cho dược lâm sàng, sẽ được đánh số thứ tự từ thấp đến cao. Thuốc nhập sau có số thứ tự cao hơn thuốc trước. Lưu ý là mã số thuốc này chỉ có giá trị nội bộ.
  • ID thuốc là duy nhất, không được xóa sau khi đã được khởi tạo. Nếu xóa 1 tên thuốc đã tham gia trong dữ liệu sẽ dẫn đến sai lệch hàng loạt trong dữ liệu. Do đó nếu thuốc không cần dùng đến nữa thì bất hoạt thuốc đó dưới dạng ẩn.
  • Quan hệ giữa các tác vụ căn cứ vào mã số thuốc chứ không được căn cứ vào tên thuốc.
  • Tên thuốc do dược sĩ nhập và được sử dụng chính thức tại các đơn vị khám, kho lẻ...
    • Mã số thuốc trong 1 đơn vị y tế được quy định là số thứ tự của thuốc đó trong danh mục thuốc - nummeric. Thuốc nhập sau sẽ được nhận mã số lớn hơn.
    • Mã số trung gian được tạo ra để dễ truy tìm sẽ gồm 3 ký tự đầu và 2 số hạng sau.
      • Ví dụ: PAN01
  • Đổi (điều chỉnh) tên thuốc: Cho phép điều chỉnh tên thuốc với điều kiện sử dụng lại mã số thuốc cũ và tên thuốc không được trùng lắp với một tên thuốc khác.

ID thuốc chi tiết:

Trước đây dùng mã ID thuốc để quản lý. Tuy nhiên mỗi đợt nhập thuốc thì cùng một mã thuốc lại có giá mua, số lô, hạn dùng... khác nhau nên ID thuốc không quản lý được. Vậy nên phải phát sinh Chi Tiết Nhập để quản lý chính xác từng lô hàng.

ID thuốc chi tiết sẽ tự động phát sinh khi nhập thuốc vào kho chẵn và đây chính là đối tượng được quản lý trong phân phối thuốc.

ID thuốc chi tiết chủ yếu phục vụ cho công tác dược hàng hóa.

Nguyên tắc:

- ID thuốc dùng để xác định một tên thuốc.

- ID thuốc chi tiết dùng để xác định một lô thuốc

III. Quy ước về tên thuốc:

Tầm quan trọng:

Khi dùng đơn thuốc giấy kê tên thuốc, các bs có thể kê theo nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ

Panadol 500 (thiếu đơn vị)

Panadol 500mg (số đơn vị và đơn vị dính nhau)

Panadol 500 mg (số đơn vị và đơn vị cách nhau)

Panadol500mg (tên thuốc dính liền với hàm lượng)

Panadol 0.5g (Hàm lượng ghi theo đơn vị gam)

...

Tất cả các kiểu trên đều là 1 thuốc, tuy nhiên nếu kê khác nhau thì thống kê sẽ khác nhau, gây rối loạn trong phân loại, so sánh thuốc trùng tên, trùng hoạt chất, tương tác thuốc, phản ứng phụ, thống kê...

Vì vậy, việc tạo tên thuốc phải được quy về một đầu mối là phòng quản lý Dược (hoặc nếu không có dược thì là bộ phận IT của bệnh viện).

Cách ghi tên thuốc:

Panadol 500mg (viên sủi)

Mỗi tên thuốc gồm các thành phần sau:

Quy tắc : [Tên biệt dược] - [hàm lượng] - [dạng bào chế]

Ví dụ: [Panadol] [500mg] [(viên sủi)]

Hàm lượng có 2 thành phần số lượng và đơn vị phải viết dính liền (500mg thay vì 500 mg).

Đơn vị trong hàm lượng nên chọn đơn vị nhỏ nhất (500mg thay vì 0.5g)

Trong trường hợp các thuốc hoàn toàn giống nhau về tên, hàm lượng và dạng bào chế thì thêm nước sản xuất vào sau tên thuốc để phân biệt.

Nguyên tắc: Không có 2 thuốc trùng tên nhau.


IV. Phân loại thuốc:

Phân loại Dược Chính:

  • Một số thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần cần phải được bảo quản riêng, chỉ cấp cho bệnh nhân khi có đơn thuốc của bác sĩ có quyền kê đơn.
  • Dược Chính được chia thành các nhóm:
    • Thuốc thường.
    • Thuốc gây nghiện.
    • Thuốc hướng tâm thần.
    • Thuốc phóng xạ.
    • Thuốc corticoid.
    • Thuốc kháng sinh.
    • Thuốc chống ung thư.
    • Thuốc chương trình (lao, phong, tâm thần, sốt rét...).
    • Thực phẩm chức năng.
    • Thuốc đông y.
    • Dịch truyền.
  • Khi nạp danh mục thuốc thì bắt buộc phân loại dược chính dùng để thống kê theo yêu cầu.

Phân loại theo kê đơn:

  • Thuốc kê đơn là thuốc phải có đơn của BS thì mới được phép mua - bán. Thuốc kê đơn có ký hiệu chữ Rx.
  • Phân loại thuốc: theo kê đơn, không kê đơn. Khi bệnh nhân đến quầy mua thuốc tự do thì nhân viên dược không được phép bán các thuốc đã phân loại "kê đơn".

Phân loại Họ Trị Liệu:

  • Là tên của một nhóm thuốc có cùng chức năng.
  • Ví dụ:
    • Nhóm tiêu hóa (A)
      • A1: Phân nhóm thuốc dạ dày
      • A2: Phân nhóm thuốc đường ruột
      • A3: Phân nhóm thuốc chống táo bón
      • ...
    • Nhóm tim mạch (B)
      • B1: Phân nhóm tăng huyết áp
      • B2: Phân nhóm mạch vành
      • B3: Phân nhóm trợ tim.
      • ...
    • Nhóm thần kinh (C)
      • C1: ...
  • Họ trị liệu chủ yếu giúp cho BS tra cứu nhanh, phục vụ cho Dược Lâm Sàng. Đa phần các kho dược khi nhập thuốc mới không khai báo họ trị liệu.
  • Không nên dùng họ trị liệu để phân loại Dược Chính thuốc.

Phân loại theo dạng thuốc (tủ thuốc):

  • Các bệnh viện lớn thường chia kho thuốc thành nhiều kho khác nhau phân biệt theo dạng của thuốc: Kho thuốc viên, kho thuốc ống/chai, kho dịch truyền.
  • Khi nạp danh mục thuốc thì bắt buộc phân loại dạng thuốc.

Phân loại theo nước sản xuất:

  • Khi nhập thuốc, cần khai báo nước sản xuất để phân loại.
  • Phân loại đơn giản: trong nước và nước ngoài.
  • Phân loại đầy đủ: kê tên nước sản xuất.
  • Việc thống kê thuốc theo nước sản xuất chỉ chia thành 2 nhóm: trong nước và nước ngoài.

Phân loại tự do để xếp kho:

  • Nếu dùng 1 phân hệ Dược để quản lý chung cho tất cả các loại thuốc và vật tư y tế thì cần phân loại theo chủng loại.
  • Phân loại theo hình thức: Thuốc ống, thuốc viên, thuốc gói, dịch truyền, cao dán...
  • Phân loại theo tác dụng: Thuốc đông y, thuốc lao, thuốc ung thư...

Ý tưởng: vấn đề Danh mục thuốc trong thực tế:

- Các bệnh viện đang có sẵn một danh mục thuốc được đặt tên tự do, không theo chuẩn sẵn. Do số lượng thuốc nhiều, DS không chịu khó sửa tên thuốc theo đúng chuẩn.

Cần có một công cụ để map tên thuốc của bệnh viện với từ điển thuốc có sẵn của phần mềm.

V. Danh mục chuyên môn dược

  • Danh mục hoạt chất quốc tế (ATC).
  • Danh mục họ trị liệu.
  • Danh mục phân loại dược chính.
  • Danh mục dạng bào chế:
    • Thuốc viên
      • Viên nén.
      • Viên nhộng.
      • Viên đạn (tọa dược).
      • Viên sủi.
    • Thuốc nước
      • Ống uống
      • Ống tiêm
      • Chai / lọ.
    • Thuốc bột
      • Lọ.
      • Ống.
      • Gói.
    • Dạng sirop
    • Dạng phun
    • Dạng miếng dán
    • Que thử

  • Danh mục liều sử dụng:
    • Viên
    • Muỗng cafe
    • Giọt
    • ml
    • mg
    • UI

  • Danh mục đường sử dụng
    • Dùng đường miệng:
      • Uống
      • Ngậm
      • Ngậm dưới lưỡi
      • Khò
      • Súc miệng
      • Nhai
      • Nhỏ dưới lưỡi
    • Dùng qua da
      • Chích/tiêm bắp
      • Tiêm mạch
      • Tiêm dưới da
      • Truyền tĩnh mạch.
    • Dùng ngoài da
      • Dán
      • Băng
      • Thoa
      • Xức
      • Bôi
      • Xoa
      • Đắp
    • Dùng đường thở
      • Hít
      • Ngửi
      • Xông
      • Nhỏ mũi.
    • Dùng qua lỗ tự nhiên
      • Nhét hậu môn
      • Đặt âm đạo
      • Nhỏ tai
      • Nhỏ mắt
      • Nhỏ mũi.
    • Dạng cao
      • Xoa.
      • Dán.
    • Bơm tiêm pha sẵn
      • Tiêm.


Mối quan hệ giữa phân hệ Dược và phân hệ kê đơn thuốc

Hình minh họa mối quan hệ giữa phân hệ kê đơn và các phân hệ cung cấp thuốc

Phân loại đơn thuốc:

- Đơn thuốc ngoại trú: nhận thuốc từ Dược Ngoại Trú Dịch Vụ hoặc từ Dược Ngoại Trú BHYT.

- Đơn thuốc thủ thuật: nhận thuốc từ: Tủ Trực, Dược Ngoại Trú/Dược BHYT, kho lẻ.

- Đơn thuốc cấp cứu: nhận thuốc từ Tủ Trực.

- Đơn thuốc Nội Trú: thuốc ghi trong các khoa nội trú được tổng hợp lại thành Bảng Tổng Hợp để đưa đến các kho phát thuốc (Kho lẻ).

Cung cấp dữ liệu cho nhau:

Phân hệ quản lý dược ngoại trú có mối quan hệ với phân hệ kê đơn thuốc ngoại trú. Dữ liệu của phân hệ dược ngoại trú (số lượng, giá tiền...) được cung cấp cho bác sĩ để thuận tiện kê đơn. Ngược lại, dữ liệu đơn thuốc sẽ được cung cấp cho khoa dược để thuận tiện xuất thuốc.

  • Bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc, tạo phác đồ, sổ tay dùng thuốc... theo danh mục mà phân hệ Dược đã nạp.
  • Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc trong số lượng mà phân hệ Dược còn cho phép.
  • Nếu số lượng thuốc cần kê không đủ, sẽ có cảnh báo thiếu thuốc.
  • Bác sĩ thay thế thuốc tương tự có trong danh mục.
  • Khi áp dụng phác đồ và số tay dùng thuốc, cần có cơ chế kiểm tra đối chiếu với thuốc của quầy dược tương ứng như trường hợp nhập tên thuốc trực tiếp.
  • Nếu BS muốn kê đơn thuốc mà không có trong danh mục, có nghĩa là không có trong phạm vi bệnh viện, bệnh nhân phải đi mua thuốc ở bên ngoài thì BS dùng giấy bút để kê đơn riêng.