Tài khoản bệnh nhân

Tài khoản bệnh nhân

Phan Xuân Trung

Một trong những vấn đề RẤT QUAN TRỌNG trong việc minh bạch tài chính bệnh nhân mà ít ai quan tâm, đó là Tài Khoản Bệnh Nhân.

Tài khoản bệnh nhân là nhật ký ghi chép giao dịch bằng tiền giữa bệnh nhân và bệnh viện.

Mỗi bệnh nhân lần đầu đăng ký khám bệnh có một mã số bệnh nhân, mã số này cũng chính là mã số tài khoản bệnh nhân. Khi bệnh nhân đóng vào một khoản tiền nào đó vào tài khoản thì tài khoản ghi tăng, khi bệnh nhân sử dụng dịch vụ, bị trừ vào tài khoản hoặc hoàn trả thì tài khoản ghi giảm.

Ứng dụng tài khoản bệnh nhân vào quản lý viện phí giúp giải quyết các vấn đề:

- Minh bạch tài chính:

+ Thấy được chi tiết giao dịch, tạo tin tưởng cho bệnh nhân.

+ Các khoản tiền trong tài khoản bệnh nhân được giữ lại cho lần sau.

- Dễ thay đổi quy trình thu phí.

+ Quy trình 1: chỉ định > thu phí > thực hiện dịch vụ (trả trước, ăn sau): kiểu mua vé.

+ Quy trình 2: chỉ định > thực hiện dịch vụ > thu phí (ăn trước, trả sau): kiểu cafe.

+ Quy trình hỗn hợp: một số dịch vụ làm trước thu phí sau, một số dịch vụ thu phí trước làm sau.

Hoạt động của tài khoản:

Tài khoản bệnh nhân gồm 2 chức năng chính: Nhập (vào tài khoản) và Xuất (từ tài khoản).

- Các khoản Nhập: nộp tạm ứng, nộp dịch vụ, nộp đồng chi trả.

- Các khoản Xuất: sử dụng dịch vụ, hoàn trả.

Ứng dụng

Tài khoản này dùng để giải quyết các tình huống sau đây:

- Ký quỹ: Bệnh nhân muốn đóng trước một số tiền lớn, sử dụng dần trong quá trình khám/điều trị mà không cần phải nộp tiền nhiều lần.

- Bệnh nhân cấp cứu, không thể đóng tiền trước.

- Ghi tạm nộp cho các khoản đồng chi trả lớn như Kỹ Thuật Cao, gói Phẫu thuật...

- Tạm hoàn phí dịch vụ chưa sử dụng vào tài khoản để sau đó sử dụng cho dịch vụ khác.

- Sử dụng thuốc tủ trực.

- Báo cáo tiền nộp thừa của bệnh nhân, nhân viên thu phí chưa hoàn trả cho bn.

- Thống kê số tiền BN còn nợ do không chi trả được.

Cấp mã tài khoản

- Khi cấp mã số bệnh nhân, đồng thời cấp tài khoản tạm ứng.

- Tài khoản này sẽ ghi chép tất cả các giao dịch giữa bệnh nhân và bệnh viện.

- Số tiền trong tài khoản khi mới khởi tạo = 0.

- Trong quá trình giao dịch sẽ phát sinh số dư tài khoản. Số dư này có thể dương hoặc âm.

- Số dư trong tài khoản đợt khám trước có thể lưu lại để sử dụng cho đợt khám sau.

Các giao dịch tài khoản

Nộp và sử dụng.

1. Giao dịch nộp: tạo số dư (+)

- Nộp tạm ứng.

- Nộp viện phí.

- Nộp tạm ứng đồng chi trả.

- Nộp tạm ứng chênh lệch.

- Nộp trả nợ.

- Hoàn phí dịch vụ chưa sử dụng vào tài khoản.

- Và các giao dịch làm cho số dư tài khoản tăng.

2. Giao dịch sử dụng: tạo số sư (-)

- Sử dụng dịch vụ đóng tiền trước.

- Sử dụng dịch vụ qua tài khoản tạm ứng, đóng tiền sau (dùng thuốc tủ trực).

- Hoàn trả tiền thừa cho bệnh nhân.

- Và các giao dịch làm cho số dư tài khoản giảm.

Các hình thức quy định tài khoản

- Tài khoản không được âm: Mọi BN đều phải đóng phí trước khi sử dụng dịch vụ.

- Tài khoản cho phép âm: Dùng cho cấp cứu. BN sử dụng dịch vụ/thuốc men mà không cần quan tâm đến số tiền trong tài khoản. Các dịch vụ, thuốc men được sử dụng như bình thường, tiền dịch vụ được ghi nợ vào tài khoản.

- Tài khoản âm hạn chế: Nếu tiền ghi nợ quá mức cho phép thì báo động, không cho tiếp tục sử dụng nữa.

Đóng phí sau:

- Bệnh nhân cấp cứu (hoặc những trường hợp đặc biệt cần sử dụng dịch vụ, thuốc men ngay) không thể đóng phí ngay, sẽ sử dụng dịch vụ và ghi tài khoản nợ.

- Khi bệnh nhân xuất viện, in phiếu sử dụng dịch vụ và tài khoản âm để BN trả tiền bù.

Nối kết

- Tính năng Tài khoản Bệnh nhân được lắp ghép vào các phân hệ có giao dịch tài chính như:

- phân hệ thu phí: dùng để ghi nhận số tiền nộp tạm ứng của BN.

- phân hệ cấp cứu: dùng để ghi nhận sử dụng dịch vụ và thuốc ghi nợ.

- tủ thuốc trực: dùng ghi nhận sử dụng thuốc, vật tư y tế ghi nợ.

Ứng dụng số liệu của Tài Khoản

- Nếu tài khoản dư cho phép, bác sĩ chỉ định dịch vụ chọn “trả qua tài khoản” và in giấy chỉ định. Thông tin chỉ định sẽ chuyển đến nơi dịch vụ mà không cần qua khâu viện phí.

- Bác sĩ thủ thuật khi cần dùng thuốc trong tủ trực, có thể kê đơn và xuất thuốc tủ trực. Số tiền nợ này được thu ảo qua tài khoản bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân sẽ thanh toán lại tại nơi thu phí.

- Số dư tài khoản bệnh nhân hiển thị tại các phân hệ: viện phí, đơn thuốc, cận lâm sàng, nội trú, dược... để người sử dụng quyết định sử dụng qua tài khoản hoặc trả tiền mặt.

- Nối kết với tài khoản ngân hàng: người có thẻ ngân hàng có thể rút tiền để nộp vào tài khoản tạm ứng như đối với nộp tiền mặt.

Báo cáo, thống kê

Số dư tài khoản bệnh nhân được thống kê hàng ngày.

- Số dư dương: khi tổng số nộp vào nhiều hơn số sử dụng.

- Số dư âm: khi tổng số nộp vào ít hơn số sử dụng.